Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hiệp quốc cho biết có khoảng 1.3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm. Hơn 2/3 trong số này đến từ nhà bếp của mỗi hộ gia đình. Bài toán chống ô nhiễm và tránh lãng phí nguồn lương thực luôn làm đau đầu các nhà chức trách. May thay, thùng rác Bokashi ra đời đã góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của rác thải tới môi trường sinh thái.
Thùng Rác Bokashi Là Gì?
Theo kiến trúc sư Terence Conran “Bokashi được gọi là thùng rác phân hủy cho người dân ở đô thị thông qua cơ chế hoạt động của các vi sinh vật có lợi.” Nó xuất phát từ phương thức canh tác hữu cơ từ hàng ngàn năm nay của người Nhật. Họ chôn thực phẩm thừa trên các nền đất chứa nhiều vi sinh vật có lợi để tăng độ mùn cho đất.
Trên thực tế, Bokashi là một loại phân xanh – sản phẩm của quá trình phân hủy chất thải hữu cơ từ nhà bếp như rau củ, vỏ trái cây trong điều kiện yếm khí mà không gây ra mùi hôi thối. Thành phẩm là một dung dịch dạng lỏng và phân xanh dạng rắn có thể được dùng như một loại phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng.
Thùng Rác Bokashi Tác Động Như Thế Nào Đến Môi Trường?
Khác với tổ tiên của chúng ta từ hàng nghìn năm trước, loài người tiến tới kỷ nguyên hiện đại, nơi nhu cầu ăn no mặc ấm không còn là xa xỉ. Con người đã bắt đầu làm chủ công nghệ, biến máy móc thành công cụ lao động thay cho sức người, nguồn lương thực cũng dồi dào hơn xưa rất nhiều. Do đó, chúng ta thường có xu hướng mua nhiều hơn số thực phẩm mình cần. Chính sự lãng phí này đã tác động tiêu cực đến môi trường: ô nhiễm không khí, dịch bệnh, một lượng lớn khí methane gây hiệu ứng nhà kính.
Chỉ tính riêng ở Việt Nam, lượng rác thải rơi vào khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó 1/3 là rác hữu cơ. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có tới 7.000 – 8.000 tấn chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Chỉ cần giảm được một lượng nhỏ trong con số hàng ngàn tấn rác thải mỗi ngày, chúng ta đã góp phần giảm tải áp lực lên nguồn nước, môi trường và đời sống của người dân.
Sự xuất hiện của thùng rác Bokashi góp phần giảm thiểu tới 40% lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường mỗi ngày. Nguồn dinh dưỡng đến từ dòng phân xanh hữu cơ này rất giàu mùn, N-P-K thúc đẩy sự phát triển tự nhiên của cây trồng. Hàm lượng dinh dưỡng trong phân Bokashi đủ đề cây trồng phát triển mà không cần bổ sung phân hóa học, nhờ đó giảm thiểu tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong cây trồng. Vừa bảo vệ môi trường lại bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Cách Làm Thùng Rác Bokashi
Thực tế có tới 2 loại Bokashi khác nhau: Bokashi lên men từ phân chuồng khô, đất rừng, than trấu và cám gạo và loại tiếp theo là Bokashi từ nhà bếp. Trong phạm vi bài viết này, Her sẽ gửi đến bạn hướng dẫn đơn giản nhất để làm loại thứ hai. Bằng cách tận dụng các phế phẩm từ nhà bếp như: cơm thừa, vỏ rau củ, trái cây hỏng và một vài vật dụng cơ bản dưới đây bạn sẽ giải quyết được bài toán giảm thiểu lượng rác thải và tạo ra nguồn phân hữu cơ tốt tươi để chăm bón cho khu vườn của mình.
Vật dụng cần chuẩn bị
Thùng nhựa hoặc xốp có nắp đậy, nên làm thùng 2 ngăn và có van xả đáy để tách riêng phần nước Bokashi và phân xanh phân hủy. Để tiện dụng hơn bạn có thể tìm mua thùng rác Bokashi chuyên dụng trên các trang thương mại điện tử.
Cơm thừa, vỏ rau củ quả, hoa héo, thịt, cá … hầu hết các phế phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm đều có thể sử dụng, ngoại trừ dầu ăn thừa, xương, sữa, thức ăn đã bị mốc hoặc thối rữa.
Một ít chất mang như cám gạo chứa vi sinh vật lên men hoặc một ít E.M – vi sinh vật thương mại được bán rộng rãi tại một số cửa hàng phân hữu cơ.
4 bước đơn giản làm phân Bokashi
Công đoạn chuẩn bị trông có vẻ rườm rà nhưng việc tạo ra và chăm sóc một thùng Bokashi thì cực kì đơn giản và tiện lợi. Bạn chỉ cần 4 thao tác dưới đây là xong:
- Cắt nhỏ các phế phẩm, không cần phải quá nhuyễn. Sau đó nén thành từng lớp có độ dày khoảng 5 cm. Có thể đổ nhiều lớp xen kẽ chất mang cho đến khi đầy.
- Giờ là lúc rải đều lớp chất mang lên bề mặt đề thúc đẩy quá trình lên men diễn ra nhanh gọn hơn. Thực tế bạn không dùng chất mang như cám gạo hoặc EM cũng được, nhưng thời gian chờ đợi thành phẩm sẽ lâu hơn rất nhiều.
- Sau đó nén càng chặt càng tốt để loại bỏ hết phần không khí tồn đọng giữa các lớp phụ phẩm. Bởi Bokashi hoạt động trên nguyên lý yếm khí, càng nén chặt sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ra mùi hôi.
- Cuối cùng là đậy thật kín nắp thùng và đặt ở một góc nhà, nơi không quá nắng và độ ẩm vừa phải. Vài ngày sau bạn sẽ thu được dung dịch Bokashi đậm đặc để tưới cho cây trồng. Đừng quên pha loãng với nước để phát huy tối đa công dụng bạn nhé.
Thùng Bokashi thông thường có dung tích từ 15-20L, với một hộ gia đình tầm 3-4 người sinh hoạt thì khoảng 1-2 tuần bạn sẽ lấp đầy thùng. Do đó, bạn nên thường xuyên chôn phần phân xanh thu được xuống đất, tầm 1 tháng sẽ thu được lớp đất mùn cực kì tơi xốp để bón cho cây trồng. Chẳng mấy chốc bạn sẽ có một khu vườn hữu cơ tươi mát ngay chính ngôi nhà của mình.
Sống xanh, bảo vệ môi trường không còn là nghĩa vụ của riêng ai.Chỉ cần mỗi chúng ta góp một hành động nhỏ: tắt điện khi không cần thiết, giảm tiêu dùng, tận dụng rác thải để làm phân xanh là đã góp phần bảo vệ mẹ thiên nhiên khỏi nguy cơ biến đổi khí hậu. Chung tay với Her.vn thay đổi thói quen sinh hoạt và cùng nhau sống xanh bạn nhé!
Viết bình luận